Bên cạnh những mảng xanh sân vườn hộ gia đình, cây xanh công cộng như cây xanh đường phố, cây xanh công viên, cây xanh trong khu dân cư…góp phần đáng kể trong việc điều hòa sức nóng của đô thị. Trong đó, cây xanh đường phố, đường trong khu dân cư, đô thị mới, có những quy định nghiêm ngặt hơn để mảng xanh vừa phát huy được giá trị sinh thái, vừa bảo đảm sự bền vững cho quy hoạch chung. Vậy có những lưu ý nào khi thiết kế, quy hoạch cây xanh đường phố, khu dân cư, bạn tham khảo trong bài viết hôm nay nhé!
1. Lưu ý về đặc điểm cây chọn trồng
Chọn cây phù hợp với yêu cầu và mục tiêu quy hoạch đô thị. Phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và bản sắc văn hóa đô thị.
Đối với cây xanh đường phố sẽ yêu cầu cây thẳng, dáng cân đối, không sâu bệnh. Chiều cao tối thiểu là 1,5m trở lên, đối với cây trung mộc và đại mộc cao tối thiểu là 3m, đường kính cổ rễ từ 6cm trở lên.
Khi thiết kế, quy hoạch cây xanh đường phố cần tránh chọn những cây trong danh mục cây cấm trồng do Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố ban hành. Ngoài ra vì vị trí trồng là đường phố, người thiết kế nên tránh chọn những loài cây có quả mà khi rụng ảnh hưởng đến vệ sinh, an toàn cho người tham gia giao thông. Nên chọn những loài cây thường xanh hoặc bán thường xanh, cây có hoa đẹp cần được cân nhắc để tạo cảnh quan đẹp cho đô thị.
Đối với mảng xanh trồng đường trong khu dân cư, đô thị mới, cần được quy hoạch chỉnh chu, tránh những loài cây có lá, hoa, quả độc, vì khu dân cư có trẻ em nô đùa, chạy nhảy. Chọn những loài cây có quả, có hoa đẹp, tán cây có thể xòe hơn, để tạo cảnh quan, môi trường sống xanh, lí tưởng cho dân đô thị. Cây trồng ở khu vực này có thể đa dạng các loài hơn so với khi trồng ở đường phố – nơi với lượng phương tiện lưu thông nhiều.
2. Những lưu ý về quy cách, kĩ thuật hạ tầng khi thiết kế trồng cây
Khi thiết kế cần lưu ý đến những quy định, quy chuẩn đối với cây xanh đường phố.
Các tuyến đường lớn có vỉa hè rộng trên 5m chỉ được trồng các loại cây khi trưởng thành có độ cao tối đa khoảng 15m. Các tuyến đường hẹp có vỉa hè rộng từ 3- 5m, độ cao tối đa của cây khi trưởng thành khoảng 12m.
- Tuỳ theo chủng loại, khoảng cách các cây trồng trên đường phố có thể từ 7m đến 10m.
- Cây trồng phải cách trụ điện 2m, cách miệng hố ga 2m, cách giao lộ 5m, cách đầu giải phân cách.
- Ví trí trồng bố trí theo đường ranh giới giữa hai nhà.
Cây xanh đường phố phải được lắp đặt bó vỉa bảo vệ gốc cây. Mẫu bó vỉa (kiểu dáng, kích thước, loại vật liệu) do Sở Giao Thông Công Chánh hướng dẫn thực hiện theo hướng đồng mức với vỉa hè, lề đường.
Các tuyến đường có lưới điện cao thế chạy dọc trên, vỉa hè có diện tích hẹp, có công trình ngầm, hoặc các dải phân cách có lưới điện chạy dọc bên trên, chỉ được trồng các loại cây cao không quá 4m hoặc trồng cây có hoa, trồng kiểng lá, trồng cây dây leo đẹp.
Các dải phân cách có bề rộng dưới 2m có thể trồng các loại cây kiểng hoặc cây bụi thấp dưới 1,5m. Các dải phân cách có bề rộng 2m trở lên có thể trồng các loại cây thân thẳng với chiều cao phân cành từ 5m trở lên. Bề rộng của tán, nhánh cây không rộng hơn bề rộng của dải phân cách. Các tuyến đường có chiều dài trên 2km có thể trồng từ 1 đến 3 loại cây khác nhau.
Trồng cây dây leo ở các bờ tường, trụ cầu của hệ thống đường dẫn, cầu vượt để tạo thêm nhiều mảng xanh trên đường phố, cần có khung với chất liệu phù hợp cho dây leo và bảo vệ tường, trụ cầu.
3. Tính thẩm mỹ trong thiết kế, quy hoạch cây xanh đường phố, đường đô thị, đường trong khu dân cư.
Ngoài việc phải lưu ý đến các yếu tố về đặc điểm sinh thái để chọn loại cây và yếu tố kĩ thuật hạ tầng, quy cách để bảo đảm an toàn, ổn định thì tính thẩm mỹ trong thiết kế cây xanh đường phố cũng là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên tổng thể quy hoạch đô thị xanh bền vững.
Thiết kế cây xanh đường phố nhìn chung theo hình thức chỉnh chu, quy chuẩn; cây lớn được bố trí với khoảng cách đều nhau, hình dáng, kích thước được lặp đi lặp lại; có thể kết hợp các loài cây khác nhau trên dọc tuyến đường dài, cây với màu sắc lá, hoa đẹp, dáng thẳng.
Ngoài các loài cây lớn chủ đạo, trồng cỏ nền, cây cắt tỉa: ắc ó, chuỗi ngọc, cùm rụm, mai vạn phúc,…,cây trồng viền, cây bụi có hoa đẹp,…cũng được sử dụng nhiều trong thiết kế. Với hình thức gọn gàng, được lặp đi lặp lại, tạo nên tổng thể xanh cho cảnh quan đường phố đô thị.